Trường hợp nào được công chứng bên ngoài trụ sở?

Chia sẻ tin này:

Luật Công chứng quy định công chứng viên chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi. 4 trường hợp được công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Luật Công chứng số 46/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, thay thế Luật Công chứng số 63/2015. Luật bổ sung quy định về các giao dịch phải công chứng nhưng không theo hướng liệt kê tên giao dịch mà quy định tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng. Bộ Tư pháp được giao rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên cổng thông tin điện tử của bộ để giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc xác định các giao dịch phải công chứng.

Việc điểm chỉ có thể được thực hiện đồng thời với việc ký

Điều 50 Luật Công chứng nêu rõ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào từng trang của giao dịch trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên, trừ trường hợp người yêu cầu công chứng không ký được và không điểm chỉ được.

“Việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp ảnh và lưu trữ trong hồ sơ công chứng”, luật nêu.

Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào văn bản giao dịch. Công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong văn bản giao dịch với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.

Việc đăng ký chữ ký mẫu được thực hiện trực tiếp tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc bằng văn bản chính thức có chữ ký trực tiếp của người đăng ký và đóng dấu của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đó.

Luật quy định, việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng vân tay của ngón trỏ phải; nếu không sử dụng được vân tay của ngón trỏ phải thì sử dụng vân tay của ngón trỏ trái.

Trường hợp không thể sử dụng vân tay của 2 ngón trỏ đó thì sử dụng vân tay của ngón khác và công chứng viên phải ghi rõ trong lời chứng việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng vân tay của ngón nào, của bàn tay nào để điểm chỉ.

Việc điểm chỉ có thể được thực hiện đồng thời với việc ký trong những trường hợp sau: Công chứng di chúc; theo đề nghị của người yêu cầu công chứng; công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.

Công chứng viên chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi

Luật Công chứng 2024 bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng, thay vào đó yêu cầu tất cả các đối tượng muốn bổ nhiệm công chứng viên đều phải tham gia đào tạo nghề công chứng.

Dù vậy, luật giảm 1/2 thời gian đào tạo nghề công chứng đối với một số đối tượng có trình độ pháp luật cao, có thời gian giữ một số chức danh pháp lý như: thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm tra viên chính ngành tòa án; thanh tra viên chính ngành tư pháp; chuyên viên chính, pháp chế viên chính, thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sĩ luật…

Luật quy định tất cả các đối tượng đều phải tập sự 12 tháng, tính từ ngày quyết định đăng ký tập sự có hiệu lực.

Đáng chú ý, luật mới bổ sung quy định chỉ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên cho người không quá 70 tuổi và công chứng viên chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi (Điều 10, 16, 17).

“Công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật có hiệu lực thi hành được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa 2 năm kể từ ngày 1/7”, luật nêu rõ.

4 trường hợp được công chứng ngoài trụ sở của tổ chức công chứng

Điều 44 Luật Công chứng quy định về thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản. Cụ thể, công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở – trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng về bất động sản và công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ các giao dịch này theo quy định của pháp luật.

Thời hạn công chứng không quá 2 ngày làm việc; đối với giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

Trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc do nguyên nhân từ phía người yêu cầu công chứng dẫn đến không bảo đảm thời hạn theo quy định, luật cho phép người yêu cầu công chứng có quyền thỏa thuận bằng văn bản với tổ chức hành nghề công chứng về thời hạn công chứng.

Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng thuộc 4 trường hợp:

Thứ nhất, lập di chúc tại chỗ ở theo quy định của Bộ luật Dân sự. Thứ hai, không thể đi lại được vì lý do sức khỏe hoặc đang điều trị nội trú, bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế.

Thứ ba, đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Thứ tư, có lý do chính đáng khác theo quy định của Chính phủ.

Chia sẻ tin này:

Các tin liên quan

Để lại một bình luận

Gọi Hotline

Chat Facebook

Chat Zalo